Thường năm, vào tháng sáu âm lịch là đỉnh điểm của mùa hạn hán, gió Lào, cỏ cây khô cháy, đồng ruộng trắng phau màu đất. Vậy mà năm nay, theo con sông La ngược về các vùng quê Can Lộc, Đức Thọ, Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê... của tỉnh Hà Tĩnh, màu của đồi núi, nương rẫy, ruộng đồng... cứ mơn mởn xanh. Các con kênh, mương nước đầy ăm ắp. Tiết trời mát mẻ, thiên nhiên giao hòa, làm cho “mùa” đền ơn đáp nghĩa ở dải đất miền Trung này thêm rộn rã, ấm áp và thiêng liêng. Di tích Ngã ba Đồng Lộc, nơi được coi là “Bàn thờ của đất Hà Tĩnh” tấp nập các đoàn khách về thăm viếng, tưởng niệm. Dường như trong tâm khảm mỗi du khách khi đến đây, cuộc sống đời thường với biết bao ồn ã, lo toan được gác lại. Thay vào đó là sự tĩnh tâm, bồi hồi, xúc động...
Những khoảnh khắc lắng lòng tưởng nhớ sự hy sinh của các anh hùng, liệt sĩ chính là lúc mỗi người cảm nhận rõ nhất trong trái tim mình như có một mạch nguồn đang chảy. Mạch nguồn của lòng tôn kính, linh thiêng dâng trào, nối hiện tại với quá khứ, nối con người với con người, nối thiên nhiên với hồn người, nối người đã khuất với người đang sống... Mạch nguồn ấy vừa vô hình, vừa hiện hữu, nối dài thành
suối nguồn tươi trẻ vô tận...
Ngã ba Đồng Lộc cũng như tất cả các địa danh linh thiêng trên mọi miền Tổ quốc trong những ngày này đều là điểm đến của hàng triệu lượt người. Trong từng góc phố, làng quê, trong mỗi nếp nhà của thân nhân, gia đình người có công với nước cũng ấm áp hơn bên khói nhang, bên những món quà ấm nồng tình nghĩa!
Chợt nhớ về những năm đói kém, khó khăn trước thời kỳ đổi mới, dù bữa cơm còn phải độn sắn, khoai, hạt bo bo... nhưng không ai quên nghĩa cử tri ân đối với thương binh, liệt sĩ. Quà dành tặng gia đình chính sách lúc đó là những cân gạo trắng, được người dân nâng niu như hạt ngọc nhà trời. Mà chẳng phải của các cấp, các ngành, sự tri ân ấy như là một phong tục ở mỗi làng quê. Đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" quyện hòa trong tình làng nghĩa xóm. Làng tôi có hơn chục hộ là gia đình chính sách. Mỗi năm vào vụ mùa, bà con cô bác sau khi thu hoạch lúa, chẳng ai bảo ai, mỗi nhà lại dành vài ký lô gạo mới, đem đến biếu mẹ liệt sĩ và các thương binh. Lớp học trò chúng tôi ngày ấy được giáo dục lòng tri ân những người có công bằng những bài ca dao mộc mạc, giản dị: “Thằng Ngoan có hai hột gà/ Hỏi mua không bán, bảo cho thì buồn/ Bảo đem ấp trứng nở con/ Lắc đầu không chịu, mấy hôm để dành/ Có người giả bộ nói quanh/ Thôi, đưa gửi tặng thương binh, Ngoan ừ!”. Bây giờ tôi đã tuổi bốn mươi. Mẹ tôi vào ngưỡng bát thập. Tôi về thăm mẹ, thấy trong cái chạn bát một rổ trứng gà đầy ắp. Mẹ bảo, đã để dành từ 5 con gà đẻ cả chục ngày nay để mang đến biếu Bà mẹ Việt Nam anh hùng nhân ngày 27-7. Tôi rưng rưng mắt nhìn bàn tay gân guốc của mẹ run run lựa từng quả trứng. Mẹ Việt Nam anh hùng ở làng tôi cũng độ tuổi như mẹ tôi. Một người mẹ bộ đội lặng lẽ để dành trứng gà tặng một người mẹ anh hùng, việc làm bình dị ấy khiến tôi trào nước mắt...
Đời sống xã hội phát triển, những nghĩa cử đền ơn đáp nghĩa cũng theo đó mà đa dạng, phong phú hơn. Ngày một nhiều hơn những căn nhà tình nghĩa được xây dựng khang trang, kiên cố. Quà dành tặng những gia đình, thân nhân người có công cũng sang hơn, đẹp hơn, giá trị hơn về mặt vật chất. Nhưng trên hết và trên tất cả, tấm lòng thành kính tri ân thì vẫn vẹn nguyên, bởi điều đó đã được tiếp nối từ
suoi nguon tuoi tre truyền thống. Suối nguồn ấy càng ngày càng đầy, càng chảy càng trong.
Biết tôi về Hà Tĩnh thực hiện Chương trình giao lưu nghệ thuật “Lời ru đồng đội”, tổ chức ngay tại Tượng đài Chiến thắng Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, anh bạn nhà thơ ở TP Hồ Chí Minh dặn đi dặn lại, nhờ tôi mang về cho một nắm đất ở địa danh linh thiêng này. Anh bảo, nắm đất ấy sẽ được anh cho vào một cái hũ nhỏ, đặt dưới tấm ảnh Bác Hồ trên bàn thờ.
Thờ “Đất thiêng” đã trở thành một nét văn hóa tâm linh của nhiều người dân ở nhiều địa phương. Hiện có nhiều cách thể hiện lòng tín ngưỡng ấy. Có người thì cho “Đất thiêng” vào bát nhang. Có người đựng trong cái hũ nhỏ. Cũng có người thì chôn nắm đất ấy ở một nơi trang trọng trong vườn nhà và trồng lên đó một cây xanh mà mình yêu thích. Người ta quan niệm rằng, đất là nơi khởi nguồn và cũng là nơi hấp thụ, bồi đắp sinh khí. Các địa danh linh thiêng như Nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo), Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Đồng Lộc... được coi như những nơi tụ khí tâm linh. Đất đai ở đó đã hóa “Đất thiêng”, bởi trong mỗi tấc đất đã thấm máu xương của biết bao anh hùng, liệt sĩ. Đem một nắm đất ở nơi đó về thờ chính là một biểu hiện của lòng tri ân đối với những người đã ngã xuống vì sự bình yên cho cuộc sống hôm nay, mong muốn được các anh hùng, liệt sĩ tiếp thêm cho sức mạnh, niềm tin, nghị lực trong cuộc sống. “Đất thiêng” cũng là lời nhắn nhủ bản thân, rằng hãy cố gắng để sống tốt hơn, làm được nhiều việc tốt hơn để xứng đáng với sự hy sinh xương máu của thế hệ cha anh. “Đất thiêng” đắp bồi yêu thương, đắp bồi giá trị nhân văn trong mỗi con người, nối dài những nhánh rẽ của suối nguồn tri ân vô tận.
Đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn là việc làm thường xuyên ở mọi lúc mọi nơi. Nhưng hôm nay, ngày 27-7, ngày của hàng triệu tấm lòng tri ân hội tụ, mỗi tấm lòng, việc làm của chúng ta như là một mạch nước nhỏ làm đầy thêm suối nguồn thiêng liêng vô tận!
Comments[ 0 ]
Post a Comment