Một doanh nghiệp nhà nước cử cán bộ đi nước ngoài để "rinh" về 2 bộ dây chuyền sản xuất. Nhưng 1 năm sau, lô thiết bị nhập trị giá 78.000 euro với hơn chục năm "tuổi thọ" vẫn nằm đắp chiếu.
Đặc biệt, chi phí cho việc đi mua lô hàng đắp chiếu này nhiều gấp rưỡi số tiền bỏ ra mua
máy gặt đập liên hợp. Đó là chuyện xảy ra tại Công ty Cơ điện công trình (MESC), thuộc Sở giao thông công chính Hà Nội.
Theo hợp đồng ký tháng 9/2003, MESC mua của đối tác Đức 2 bộ thiết bị sản xuất
gạch block và toàn bộ khung kho nhà xưởng của những thiết bị này. Dây chuyền sản xuất năm 1978 và 1987. Tổng giá trị gần 78.000 euro (tương đương với hơn 1,5 tỷ đồng). Bên bán thực hiện bàn giao thiết bị tại hiện trường.
Tờ trình về việc thanh toán chi phí cho đoàn đi công tác làm nhiệm vụ tháo dỡ thiết bị nhà máy gạch Omag tại Đức của Phòng tài vụ cho thấy, trước khi đặt bút ký thoả thuận trên, MESC đã cử đoàn cán bộ 14 người sang Đức để khảo sát. Với danh nghĩa đi công tác, nhưng trong đoàn người về trước, kẻ về sau. Chỉ có 3 người đi 13 ngày. Số còn lại đã lưu trú ở châu Âu 44-75 ngày. Thậm chí có 1 trường hợp còn ở tận 82 ngày. Tổng chi phí cho đoàn công tác là gần 21.000 USD.
2 bộ dây chuyền sản xuất là hàng second hand, bên mua phải mất tiền công tháo dỡ. Cộng với các chi phí khác để mang được hàng về VN, theo tính toán của MESC tổng cộng gần 108.000 euro tương đương với khoảng hơn 2 tỷ đồng.
Như vậy, ngược với tính toán rằng mua hàng cũ để tiết kiệm ngân sách, khoản tiền doanh nghiệp bỏ ra trang trải chi phí tháo dỡ, công tác phí và vận chuyển thiết bị về Việt Nam lại nhiều gần gấp rưỡi số tiền mua thiết bị.
Tốn kém là vậy, nhưng những dây chuyền sản xuất này lại không thể vận hành được. Chúng là đống sắt nằm dầm mưa dãi nắng, hoen gỉ, xung quanh cỏ dại mọc đầy.
Rồi 1 năm sau, MESC có giám đốc mới. Tháng 11-2004, doanh nghiệp mới mạnh dạn thừa nhận "hiện trạng của cả 2 dây chuyền quá cũ, không có khả năng phục hồi" và "trong thành phố nhiều đơn vị đang lắp đặt các dây chuyền sản xuất gạch hiện đại, nên nếu công ty cố tình đầu tư phục hồi 1 dây chuyền để sản xuất gạch thì sản phẩm của công ty sẽ không thể cạnh tranh được về giá thành cũng như chất lượng".
Vì lẽ đó, MESC quyết định bán cả hai dây chuyền này, lấy tiền phục vụ sản xuất kinh doanh. Nhưng việc này không đơn giản vì chẳng có ai chịu mua hàng cũ. Có người từng trả giá bằng 1/2 tiền mua, song rồi họ cũng rút lui, một đi không trở lại.
Điều đặc biệt là, ngay trong năm 2003, chính MESC khi vừa nhập hàng về đã nghĩ đến việc phục hồi 1 dây chuyền (năm 1978), dù khi đặt bút ký hợp đồng, những người đi mua nhất trí với đánh giá chất lượng của thiết bị còn trên 85%.
Việc lãng phí tiền đầu tư tại MESC kể trên, hiện vẫn chưa có phương án giải quyết. Công ty xác định dây chuyền không thể hoạt động được. Việc phục hồi thì rất tốn kém, chưa chắc đã mang lại hiệu quả bằng cách bán đi mua thiết bị mới. Còn vị giám đốc cũ, người tổ chức nhập hàng, lại bảo dây chuyền vẫn chạy tốt nhưng MESC không vận hành.
Comments[ 0 ]
Post a Comment