Những bức xúc lâu nay về án oan sai và vụ Nguyễn Thanh Chấn như một điển hình, khiến dư luận đồng loạt lên tiếng suốt tháng qua. Vụ án đã “chấn động” đến nghị trường, đặc biệt là thể hiện qua phần chất vấn Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình. Và yêu cầu lắp đặt
camera quan sát khi hỏi cung.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền hỏi thẳng rằng: “Liệu có còn bao nhiêu con thỏ mà bị tuyên là gấu hay không?” Tất nhiên ông Trương Hòa Bình khó có thể trả lời được câu hỏi này, vì có lẽ còn bao vụ án có thể oan sai nhưng không được phát hiện. Cái may mắn có người tự thú như ông Chấn e là rất khó, mà oan sai thì muôn hình vạn trạng, chỉ có trời xanh mới thấu!!!
Nhưng dù ở tình trạng nào, theo tôi nghĩ, oan sai đều từ một trong hai nguyên nhân: do trình độ của cán bộ tố tụng hạn chế hoặc do bức cung, nhục hình. Vậy mà đối với tình trạng nhục hình, nạn nhân nói có, cán bộ điều tra nói không, khó có thể xác định được. Khi trả lời đại biểu Lê Thị Nga về điều này, chính ông Trương Hòa Bình cho rằng: “Việc hội đồng xét xử phát hiện ra có ép cung hay không rất khó. Điều này phải được điều tra”.
Mà khó thật, nếu đi hỏi điều tra viên có bức cung nhục hình hay không thì... vô phương tìm được sự thật. Lời hăm dọa, chuyển phòng suốt đêm không cho ngủ, lấy búa dao để khủng bố tinh thần thì làm gì có dấu vết để lại? Cũng có những trường hợp bị đánh đập đến mức để lại vết sẹo trên thân thể, nhưng người ta cũng có thể cãi phăng đó là vết sẹo của nạn nhân bị thương tích từ một nguyên nhân khác, không do điều tra viên gây ra….Chịu thua!
Vậy thì đề nghị mà đại biểu Lê Thị Nga đưa ra tại Quốc hội về việc thực hiện lắp
camera quan sat tất cả các cuộc hỏi cung, xem ra phải sớm được tính tới. Cách thức này không mới vì nhiều nước đã áp dụng, nó sẽ giúp cho các cơ quan giám sát biết được có bức cung nhục hình hay không để khỏi tranh cãi rầy rà, vô ích.
Nhưng liệu cái camera có giúp cho “thỏ” không trở thành “gấu” như cách ví von của đại biểu Nguyễn Bá Thuyền hay không?
Có thể trả lời rằng, có lẽ chỉ hạn chế bức cung nhục hình, nhưng chưa thật sự đảm bảo quyền của công dân khi bị tạm giam, tạm giữ để điều tra. Camera cũng chỉ là máy móc, nó không phải là con người.
Ở đây có một chủ thể khác được luật pháp quy định có quyền tham gia từ giai đoạn điều tra, từ khi bị can bước vào phòng hỏi cung - đó là Luật sư. Thế nhưng, nhưng trên thực tế, luật sư chưa thật sự được tôn trọng trong việc thực hiện quyền của họ khi tham gia bảo vệ quyền và lợi ích của thân chủ.
Tôi nghĩ, để khỏi phải tranh cãi về việc điều tra viên có bức cung nhục hình hay không, để thêm minh chứng rằng Việt Nam luôn tôn trọng quyền con người, để hạn chế tối đa oan sai đặc biệt là trong các vụ án hình sự, thì trước hết cần làm ngay hai việc: lắp cái camera trong phòng hỏi cung và tôn trọng quyền hành nghề của luật sư.
Comments[ 0 ]
Post a Comment